Vụ kiện Alma: Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn
(10)
- Bình Thuận: Đất của mình bị người khác đến xây nhà. Tòa bắt bị hại phải… Bán luôn đất
- 2 dự án mới ở Vĩnh Trung và Phước Đồng tiếp tục được hoạt động
- Các loại thuế, phí phải đóng khi sang nhượng đất đai tại Khánh Hòa
- Nha Trang đang triển khai 108 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch
- Điều chỉnh quy hoạch Dự án Đỉnh Vàng Nha Trang Golden Gate
Sáng 16-11, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn liên quan đến hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” tại dự án khu nghỉ dưỡng Alma, Cam Lâm. Đây là vụ tranh chấp đầu tiên trong 37 khách hàng khởi kiện Alma, sẽ được xét xử trong tháng này.
Bài viết trước: Hôm nay 15/11: Bắt đầu xử chuỗi 37 vụ kiện ‘sở hữu kỳ nghỉ’ của Alma
Khách hàng: Hợp đồng khác với thực tế
Đây là vụ kiện giữa nguyên đơn là ông, bà Nguyễn Hoàng Sơn – Nguyễn Thị Long Tuyền (TP.HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (22 Hát Giang, Nha Trang) – Chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Alma Nha Trang. Đại diện nguyên đơn là ông Trần Đức Phượng. Đại diện bị đơn là bà Phạm Thị Kiều Hưng.
Theo hợp đồng ký ngày 26-2-2017, nguyên đơn đăng ký mua kỳ nghỉ tuần thứ 16, loại căn hộ nghỉ dưỡng A. Ngày khai trương chính thức là trong vòng 36 tháng kể từ ngày ban hành giấy phép xây dựng cuối cùng và được gia hạn thêm 6 tháng. Ông bà Sơn – Tuyền đã nộp hơn 310 triệu đồng.
Trước tòa, ông Phượng yêu cầu tòa tuyên hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ của Alma là vô hiệu và yêu cầu công ty hoàn trả cho ông bà Sơn – Tuyền hơn 300 triệu đồng. Lý do: phía công ty mời dự hội thảo du lịch, nhưng thực tế giới thiệu dịch vụ cho thuê phòng; công ty giới thiệu tỷ phú Igal David Ahouvi là chủ dự án nhưng thực tế không đúng; dự án có vốn đầu tư 300 triệu USD, thực tế chỉ 486 tỷ đồng; dự án không nhìn ra vịnh Nha Trang. Hơn nữa, công ty dùng từ “sở hữu” và ghi cụ thể số phòng, số tầng, khiến khách hàng nhầm tưởng là giao dịch bất động sản như hình thức condotel (căn hộ khách sạn)…
Tòa bác đơn kiện
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang yêu cầu tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu xác định công ty có được phép chuyển nhượng kỳ nghỉ khi chưa hoàn thành dự án không. Tuy nhiên, tòa không đồng ý vì đây không phải hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến bất động sản mà là hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, bản chất là hợp đồng đặt cọc.
Nhận định của Hội đồng xét xử là sở hữu kỳ nghỉ không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản. Bất động sản vẫn thuộc sở hữu công ty. Như vậy, sở hữu kỳ nghỉ mà ông bà Sơn – Tuyền đã đặt cọc để giữ chỗ được coi như một loại tài sản hình thành trong tương lai.
Về chủ đầu tư và vốn: Các tài liệu bị đơn cung cấp và đã được kiểm tra công khai cho thấy, tỷ phú Igal David Ahouvi là một nhà đầu tư của công ty, đầu tư thông qua các công ty thuộc quyền kiểm soát của ông này. Ngoài ra, vốn điều lệ đăng ký của công ty là 105 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện dự án theo giấy đăng ký đầu tư là 486 tỷ đồng. Đây là vốn góp theo cam kết của nhà đầu tư vào dự án, phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam.
Về quyền nghỉ dưỡng tùy chọn, thực chất đây là trao đổi sở hữu kỳ nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng khác nhau trên thế giới. Việc công ty hỗ trợ, giúp khách hàng lựa chọn nơi trao đổi các kỳ nghỉ cũng như các thủ tục để nhà cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng được lựa chọn cung cấp kỳ nghỉ cho khách hàng không thể coi là một khâu trong việc đưa khách hàng ra nước ngoài; cũng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh công ty tự mình đưa khách mua sở hữu kỳ nghỉ đi du lịch nước ngoài.
Bị đơn cũng cho rằng quảng cáo sản phẩm được thiết kế theo mô hình đã được giải thưởng, nhưng xây dựng không giống như vậy. Sự thay đổi này đã được UBND tỉnh chấp nhận tại công văn ngày 27-5-2016.
Về số tiền đã nộp, theo quy định tại hợp đồng và phụ lục, khoản tiền mà ông bà Sơn – Tuyền đã thanh toán là tiền đặt cọc. Chỉ sau ngày khai trương chính thức, số tiền đặt cọc mới chuyển thành một phần của khoản thanh toán. Tiền đặt cọc được công ty đầu tư vào dự án không bị pháp luật cấm, không làm hạn chế thỏa thuận của các bên về việc sử dụng tiền đặt cọc.
Về tiến độ xây dựng: Tính đến ngày xét xử, căn cứ vào giấy phép xây dựng ngày 28-4-2017 thì vẫn chưa quá 36 tháng. Và ngày 24-10-2018, công ty tiếp tục được cấp phép xây dựng, nên công ty không vi phạm tiến độ xây dựng và thời hạn bàn giao kỳ nghỉ với chủ sở hữu.
Về hình thức hợp đồng dễ gây nhầm lẫn: Trang bìa cũng như nội dung hợp đồng đều ghi sở hữu kỳ nghỉ, nên không thể nhầm lẫn với sở hữu bất động sản. Hơn nữa, nguyên đơn cũng đã tự nguyện ký kết hợp đồng nên hợp đồng phát sinh hiệu lực.
Từ những nhận định trên, tòa phán quyết không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu của nguyên đơn, bác yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc của nguyên đơn.
Ông Võ Quốc Tuấn – Chánh án TAND TP. Nha Trang cho biết: TAND TP. Nha Trang đã thụ lý 37 đơn kiện tranh chấp hợp đồng giữa các khách hàng với công ty. Tính đến trước ngày 15-11 là ngày đưa vụ án đầu tiên ra xét xử, đã có 9 nguyên đơn tự nguyện rút đơn. Sau khi tòa tuyên án vụ tranh chấp đầu tiên, cuối giờ sáng 16-11, tiếp tục có 1 nguyên đơn tự nguyện rút đơn và tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án, 1 nguyên đơn khác xin hoãn phiên tòa đến ngày 23-11 để thương lượng hòa giải.
NGUYỄN VŨ – Theo Báo Khánh Hòa
Bài viết mới
- Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận căn hộ du lịch không phải đất ở
- Đề nghị dời khách sạn để xây cơ quan tỉnh Khánh Hòa
- Bãi biển Ba Làng vịnh Nha Trang bị ‘lở loét’, ô nhiễm vì đâu?
- Vì sao khách Hàn ‘mê’ Nha Trang?
- Bãi biển Nha Trang: Ưu tiên cho cộng đồng, chỉ được đặt dù, ghế theo giờ quy định