Tạm dừng giao dịch đất tại Đặc Khu kinh tế Bắc Vân Phong
(6)
- UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ kêu gọi vốn đầu tư vào bắc Vân Phong
- Từ chối đề xuất đầu tư kho xăng dầu ngoại quan tại Khu Kinh tế Vân Phong
- Đề xuất mở lại giao dịch chuyển nhượng đất tại Bắc Vân Phong
- Khánh Hòa: Khách sạn 5 sao bỏ hoang 30 năm chưa xử lý
- Khánh Hòa ngăn sốt đất ở Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong
Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn khẩn gửi Sở Tài nguyên Môi trường chỉ đạo về việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Việc tạm dừng giao dịch đất tại Đặc Khu kinh tế Bắc Vân Phong tương lai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban Tỉnh ủy vào sáng 4/5.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Việc tạm ngừng này có hiệu lực cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ở huyện Vạn Ninh, bắt đầu là thông tin Bắc Vân Phong được Chính phủ quy hoạch thành Đặc khu kinh tế từ những ngày cuối năm 2017. Lập tức thị trường bất động sản ở đây bị “nóng sốt” và đến thời điểm này, “sốt” đất ở vịnh Vân Phong vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá đất được “đội” lên hàng chục lần khiến người dân không chỉ bán đất mình có mà còn “cạo” trọc núi non, lấp luôn cả kế sinh nhai hàng ngày để bán bằng mọi giá.
Ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa nói rằng đó là “những cơn sốt của lòng tham”. Ông bảo “sốt” ở vịnh Vân Phong, thực chất là do các nhóm “cò đất” tự đẩy giá lên theo “ván cờ” mà họ xây dựng: Người trước lôi kéo người sau mua lại để ăn chênh lệch!
Theo ông Quý, trong “ván cờ” chạy đua chiếm hữu đất vùng đặc khu, hệ lụy của nó sẽ khôn lường và khó giải quyết. Bởi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá nhiều, cho phép phân lô vô tội vạ, thì tất yếu Nhà nước phải mất nhiều tiền bạc và vất vả trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư sau này.
Ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh vừa có thông kê, báo cáo là trên địa bàn xã có khoảng 40ha là diện tích đất bị lấn chiếm. Ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các khu vực bị xâm hại là đất trống không có rừng (thực bì chủ yếu là cây cỏ và cây bụi).
Tất cả các cá nhân, tổ chức vi phạm về lấn, chiếm đất; xây dựng trái phép ở vịnh Vân Phong đã được Tổ công tác liên ngành huyện Vạn Ninh ngăn chặn, lập biên bản và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền của huyện xử lý theo pháp luật.
“Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã biệt phái một số công chức kiểm lâm về Hạt kiểm lâm Vạn Ninh để tăng cường cho đơn vị này kiểm tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Vạn Ninh tăng cường công tác quản lý đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đất rừng ở các đảo của xã Vạn Thạnh” – ông Ninh cho hay.
Trước đó, trong cuộc làm việc với các sở ngành vào ngày 3/5, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo các sở – ngành kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm liên quan đến đất đai.
Theo ông Vinh, tình trạng lấn chiếm đất đai, giao dịch ngầm, mua bán bất động sản tại huyện Vạn Ninh – địa phương được chọn để xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong) rất phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành phải tìm hiểu cụ thể và có biện pháp chấn chỉnh, nếu không sau này hình thành đặc khu thì các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa.
Theo ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa, sở này đã chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm tra nguồn gốc đất trước khi cho sang nhượng, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, đối với đất nông nghiệp, phải rà soát lại đối tượng mua bán đất có nhu cầu sử dụng hay không và không đưa đất sản xuất vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm khi quy hoạch đặc khu. Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, phát rẫy tạo giấy tờ giả đối với đất công.
Còn theo Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, UBND huyện Vạn Ninh cần tổ chức quay phim, chụp hình các vùng đất, đảo chưa có biến động để khi chính quyền đặc khu hình thành sẽ có bằng chứng đối chất, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, đề nghị không cho phép chính quyền xã xác nhận trên các hợp đồng mua bán đất trái phép, không phù hợp quy định pháp luật; không cho phép tách thửa các lô đất.
Theo Enternews.vn
Bài viết mới
- Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận căn hộ du lịch không phải đất ở
- Đề nghị dời khách sạn để xây cơ quan tỉnh Khánh Hòa
- Bãi biển Ba Làng vịnh Nha Trang bị ‘lở loét’, ô nhiễm vì đâu?
- Vì sao khách Hàn ‘mê’ Nha Trang?
- Bãi biển Nha Trang: Ưu tiên cho cộng đồng, chỉ được đặt dù, ghế theo giờ quy định