Sốt xuất huyết tại thành phố Nha Trang tăng cao
(3)
Theo cáo cáo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 17/2/2019 toàn tỉnh đã ghi nhận gần 3.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ là 375 ca, tăng 773%. Riêng số ca sốt xuất huyết tại Nha Trang trong tháng 1/2019 là 1.361 trường hợp.
Theo BS Trần Minh Trung – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; từ tháng 7/2018 số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng; số mắc mới tháng 1/2019 là 2.277 ca. Riêng tại thành phố Nha Trang số ca mắc sốt xuất huyết chỉ riêng tháng 1/2019 là 1.361 ca, tăng hơn so với tháng 12/2018 có 1.288 ca sốt xuất huyết.
Tính đến ngày 17/2/2019 thành phố Nha Trang ghi nhận có 1993 ca sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, có 67 ổ dịch được phát hiện và xử lý. So với cùng kì năm 2018, số mắc sốt xuất huyết tăng 810%, số ổ dịch tăng 590%.
Ngoài thành phố Nha Trang, tại các huyện, thị xã số mắc sốt xuất huyết đều tăng so với cùng kỳ, trong đó:
- Thị xã Ninh Hòa ghi nhận 477 ca mắc (cùng kỳ chỉ có 41 ca mắc)
- TP Cam Ranh có 130 ca mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ có 5 ca mắc)
- Huyện Diên Khánh có 278 ca mắc (cùng kỳ có 64 ca mắc)
- Huyện Cam Lâm có 152 ca mắc (cùng kỳ có 23 ca mắc)
- Huyện Vạn Ninh có 193 ca mắc (cùng kỳ có 19 ca mắc)
- Huyện Khánh Vĩnh có 48 ca mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ chỉ có 3 ca mắc).
BS Trung cho biết, các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết đã triển khai tại Nha Trang từ ngày 16-30/1/2019 là phun hóa chất xử lý tại 12 xã, phường. Có 67 ổ dịch được xử lý ổ dịch 200m; trong đó có 18 ổ dịch hoạt động. Kết quả sau xử lý chỉ số mật độ muỗi, BI đều giảm so với trước xử lý, tuy nhiên chỉ số nhà có muỗi (HI) và nhà có loăng quăng/bọ gậy còn cao, đặc biệt tại các xã Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Hòa, Phước Hải.
BS Trung nhận xét hiện nay các ngành đoàn thể tại các xã phường tham gia không đầy đủ trong công tác xử lý bọ gậy, thành phần tham gia chỉ có tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Các cán bộ của địa phương chưa vào được các hộ gia đình để hướng dẫn diệt bọ gậy, loăng quăng do nhiều nhà đóng cửa, đi vắng; hoặc địa phương chưa có kế hoạch đi đến các hộ gia đình để hướng dẫn tuyên truyền. Tỷ lệ gia đình đóng cửa vắng nhà 50-60% cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến việc phun hóa chất diệt muỗi.
TS Trần Thị Tuyết Mai – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh có kiến nghị UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên loa đài; họp tổ dân phố, thông báo cho hội viên trong các ngành đoàn thể; kêu gọi tất cả các hộ gia đình dọn dẹp vệ sinh, diệt loăng quăng/ bọ gậy, diệt muỗi.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cần trực tiếp giám sát, chỉ đạo hoạt động xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, tổ chức đoàn kiểm tra công tác xử lý dịch sốt xuất huyết, nhất là tại các xã phường đang bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên toàn tỉnh.
BS Tôn Thất Toàn – Theo Sở Y Tế Khánh Hòa
Bài viết mới
- Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận căn hộ du lịch không phải đất ở
- Đề nghị dời khách sạn để xây cơ quan tỉnh Khánh Hòa
- Bãi biển Ba Làng vịnh Nha Trang bị ‘lở loét’, ô nhiễm vì đâu?
- Vì sao khách Hàn ‘mê’ Nha Trang?
- Bãi biển Nha Trang: Ưu tiên cho cộng đồng, chỉ được đặt dù, ghế theo giờ quy định