Cụ thể, ông Lê Huy Toàn hiện vẫn còn đang giữ các chức vụ:
- Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Nha Trang
- Phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang
- Đại biểu HĐND thành phố Nha Trang
- Thành ủy viên, cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định đình chỉ các chức vụ đối với ông Lê Huy Toàn. Dự kiến tuần tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp, xem xét các vấn đề liên quan đối với ông Toàn theo quy định của Đảng.
Ngày 30.11.2018, theo chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Lê Huy Toàn.
Còn về cấp chính quyền, việc đình chỉ chức vụ phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang của ông Toàn sẽ được tiến hành theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan.
Trước đó, vào ngày 28.11.2018 ông Lê Huy Toàn đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can (được tại ngoại) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại dự án khu đô thị du lịch Hoàng Long, ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang.
Bài viết trước: Khởi tố, khám xét nhà ông Lê Huy Toàn – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang
Vào ngày 27.11.2018, ông Lê Huy Toàn đã ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa và trả lời khiếu nại của các công dân bị thu hồi đất làm dự án khu đô thị mới Lê Hồng Phong II của công ty cổ phần Bất động sản Hà Quang.
Về việc ông Lê Huy Toàn vẫn ký văn bản vào ngày 27.11 thì đây là một việc hoàn toàn hợp pháp. Viện KSND thành phố Nha Trang cho biết: theo quy định luật pháp thì quyết định khởi tố bị can đối với ông Toàn của Cơ quan CSĐT chỉ có hiệu lực sau khi được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn và được tống đạt cho bị can theo đúng quy định pháp luật. Hơn nữa, chức vụ phó chủ tịch UBND TP Nha Trang của ông Toàn đến nay vẫn chưa bị bãi nhiệm theo quy định pháp luật.
Quy định về việc bãi miễn chức vụ cán bộ chính quyền
Luật tổ chức chính quyền địa phương (điều 100, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016) quy định về quyền miễn trừ của đại biểu HĐND như sau: Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu HĐND, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu HĐND nếu không có sự đồng ý của HĐND hoặc trong thời gian HĐND không họp, không có sự đồng ý của Thường trực HĐND.
Còn trong trường hợp đại biểu HĐND bị khởi tố bị can thì Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND đó (khoản 2, điều 101 Luật tổ chức chính quyền địa phương)
Cũng theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, các chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố phải được HĐND cùng cấp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm (điểm a, khoản 2, điều 19). Đồng thời, kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn (khoản 2, điều 22).