Người dân Nha Trang phải thức đêm canh chừng lấy nước từ 1 – 2 giờ sáng

08/05/2019 12:39

(7)

Hiện nay, nhiều khu vực ở Nha Trang và Diên Khánh còn thiếu nước sạch. Người dân phải thức đêm canh chừng lấy nước từ 1 – 2 giờ sáng. Trong thời gian tới, các hệ thống nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn sẽ được các cấp, ngành tiếp tục đầu tư.

Giếng khô, nước cạn

Những ngày này, tại thôn Liên Thành, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang đang đối mặt với tình trạng nước yếu từ nhiều ngày qua. Khu vực này trước đây vướng quy hoạch đất quốc phòng nên việc đăng ký nước, điện kéo dài. Hiện nay, vấn đề này đã được tháo gỡ nhưng theo bà Phan Thị Nhen, người dân tại đây cho biết nước thường xuyên bị cúp nên bà phải thức đêm canh chừng lấy nước từ 1 – 2 giờ sáng.

Trưởng thôn Liên Thành ông Phạm Duy Dậu cho biết, các thôn nằm ở khu vực núi của xã đều khó khăn về nước khi có rất nhiều nhà xây dựng trên núi, có độ cao hơn 30m nên việc cung cấp nước rất khó khăn. Thôn Liên Thành ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa đảm bảo áp lực 3atm nhưng thường xuyên chỉ đạt 1atm. Sau khi tháo gỡ vấn đề quy hoạch, có thêm đến 125 hộ xây nhà nên lượng nước bị chia nhỏ, không đảm bảo nguồn cung.

Khu vực thôn Phú Thọ, xã Diên Thọ, Diên Khánh nước bị nhiễm phèn, vôi.
Khu vực thôn Phú Thọ, xã Diên Thọ, Diên Khánh nước bị nhiễm phèn, vôi.

Thôn Phú Thọ, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh cũng đang căng thẳng nguồn nước sạch sau thời gian nắng gắt. Khu vực này có địa hình khá cao trên đèo Đá Lửa nên việc khoan giếng gặp khó khăn, khoan nhiều mũi mới có nước, kinh phí tốn khoảng 50 – 60 triệu đồng.

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Nam cho hay hiện tại người dân lấy nước từ giếng khoan bởi gần 100% giếng đào đều cạn. Toàn thôn có hơn 100 hộ nhưng chỉ có 25 – 27 hộ có giếng khoan. Vì thế, người dân phải xin nước lẫn nhau. Bà Đào Thị Sơn cho biết nước giếng nhà bà bị nhiễm vôi, phèn nên khó dùng, chủ yếu để tắm giặt, bà phải xin nước những nhà có giếng khoan nhưng không phải giếng nào cũng cho nước tốt, có lúc nước nhiễm mùi bùn.

Tại Phước Đồng cũng có một số “vùng lõm” nước chưa tới được do vướng địa hình hay quy hoạch như khu vực Suối Lùng (thôn Phước Sơn) hay Phước Hạ. Thời gian qua, để giải quyết tình trạng này, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa đã lắp đồng hồ tổng để giải quyết khó khăn trước mắt, chờ đầu tư sau nên người dân vẫn có nước sạch dùng. Riêng các khu vực không đủ điều kiện, ngoài quy hoạch, xã kiên quyết không ký giấy cho các hộ dân đăng ký điện, nước sinh hoạt.

Tiếp tục đầu tư nhà máy cung cấp nước sạch

Theo ông Nguyễn Văn Đàm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, hiện tại dân số được cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Nha Trang và vùng ven đạt hơn 95%. Nhiều nơi vẫn chưa thể cấp được nước sạch như một số khu vực tại xã Suối Hiệp thuộc huyện Diên Khánh hay Vĩnh Phương, Phước Đồng.

Nguyên nhân do các khu vực này nằm cách xa nguồn cấp nước của công ty nên không đảm bảo áp lực và lưu lượng; một số nơi có cao độ cao hoặc vướng quy hoạch. Đối với xã Suối Hiệp, công ty dự kiến sẽ đầu tư ống dẫn từ Nhà máy nước Suối Dầu về. Khu vực Liên Thành, Tân Thành, Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phương), công ty đề nghị chính quyền địa phương có quy hoạch chi tiết để đơn vị có cơ sở đầu tư lắp đặt thêm trạm bơm tăng áp và mạng lưới phân phối cho phù hợp.

Thời gian tới, công ty sẽ góp vốn cùng các cổ đông xây dựng Nhà máy nước Sơn Thạnh thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh theo quy hoạch chung hệ thống cấp nước TP. Nha Trang và khu vực phụ cận. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 50.000m3/ngày đêm, bổ sung nguồn nước sạch cho TP.  Nha Trang và huyện Diên Khánh, lúc đó khu vực Phú Thọ sẽ có nước sạch. Đồng thời, đầu tư mới một số tuyến ống dọc đường Võ Nguyên Giáp để giải quyết cấp nước cho các khu đô thị phía tây Lê Hồng Phong; đầu tư chống thất thoát nước trên địa bàn, cải tạo nhà máy và thay thế các tuyến ống cũ đã xuống cấp.

Bà Nguyễn Thị Đài Trang – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng cho biết, do điều kiện đầu tư còn nhiều khó khăn nên đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sạch theo tiêu chuẩn chỉ đạt 40%. Thời gian tới, Trung tâm sẽ kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 để xây dựng nhiều công trình nước theo quy hoạch đã duyệt. Đồng thời, bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả hoặc có công nghệ xử lý nước chưa hoàn chỉnh, đảm bảo phát huy hiệu quả.

P.LÂM – Theo Báo Khánh Hòa

Đọc thêm

lên đầu trang