Cao tầng – Lấn biển: Cũng chỉ vì Nha Trang quá đẹp
(21)
Việt Nam đang khiến thế giới tiếc nuối bởi hay tự tay làm xấu vẻ đẹp của những viên ngọc sáng mà thiên nhiên đã ban tặng. Cũng giống như một “mỹ nhân”, vì quá đẹp nên vịnh Nha Trang thời gian gần đây thường bị đe dọa bởi những dự án lớn nhỏ lấn biển và cao tầng. Những dự án này giải quyết được nhu cầu du lịch cao, tăng nguồn thu ngân sách cũng như thêm nguồn cung đất ở. Tuy nhiên, chúng lại biến vẻ đẹp tự nhiên và hệ sinh thái ven bờ của vịnh Nha Trang thành những khối bê tông khổng lồ.
Dạo một vòng ven biển Nha Trang có thể điểm qua hàng chục dự án lớn nhỏ như: Khu du lịch sinh thái Vân Đăng do Công ty CP Hồng Hải làm chủ đầu tư có tổng diện tích gần 35 ha, trong đó đến 22,5 ha diện tích mặt biển; khu dân cư Đường Đệ 30 ha; khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5 ha; dự án Khu dân cư An Viên nằm phía nam Cầu Đá; toàn bộ vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56 ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã bị san lấp…
Nha Trang đang có xu hướng cao tầng hóa bãi biển, đây là giải pháp được nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm vì không chỉ chắn tầm nhìn, chắn gió mà còn lấy luôn cơ hội phát triển các dự án, khu đất bên trong của Nha Trang. Một đô thị biển như Nha Trang cần tính phát triển cân đối theo cả khu vực chứ không nên chiều nhà đầu tư bám biển bằng mọi giá.
Còn nhớ dự án chắn biển có thâm niên nhất tại Nha Trang là khu nghỉ mát Ana Mandara với diện tích 26.000 m2 đã che chắn bờ biển Nha Trang đến hàng trăm mét. Năm 2011, với quyết tâm làm thông thoáng bờ biển, tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận di dời dự án Ana Mandara trước năm 2015. Thế nhưng đến nay chủ trương này vẫn chưa thực hiện được thì tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý quy hoạch xây dựng dự án công viên bờ biển Phù Đổng, với diện tích lên đến 24.000 m2.
Trên thực tế, việc gìn giữ và phát triển cảnh quan thiên nhiên luôn là một bài toán khó. Với cách cấp phép ồ ạt hiện nay của tỉnh Khánh Hòa có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh trong tương lai, cũng như làm ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày của không ít người dân đang làm du lịch nơi đây bởi khách du lịch khi đến Nha Trang là muốn được ra bãi biển cát dài và đẹp để đắm mình vào thiên nhiên.
Ở biển San Francisco của Mỹ, họ có một bộ phận tư vấn miễn phí cho chính quyền địa phương. Mỗi khi có dự án đầu tư vào vịnh, đội tư vấn chính là những người thẩm tra và họ cho ý kiến sau khi chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, cảnh quan. Còn ở vịnh Nha Trang, điều đó đi ngược lại hoàn toàn.
Một điều khó hiểu nữa là vịnh Nha Trang đã được công nhận là danh thắng cấp quốc gia, nghĩa là mọi sự can thiệp của con người như xây dựng các công trình tại đây đều không được vì vi phạm luật Di sản. Vậy mà không ít chủ đầu tư các dự án tại Nha Trang không biết xoay xở kiểu gì mà vẫn có giấy phép?
Để “cứu” vịnh Nha Trang, cũng đã đến lúc chính quyền không thể chiều lòng nhà đầu tư bởi thu hút nhiều dự án dù có lợi nhưng hại cho xung quanh thì gây thiệt hại và không nên.
Sẽ lấy ý kiến người dân
Ngày 13/4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp với các sở, ngành liên quan về đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng. |
Thiên Thu – Theo enternews.vn
Bài viết mới
- Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận căn hộ du lịch không phải đất ở
- Đề nghị dời khách sạn để xây cơ quan tỉnh Khánh Hòa
- Bãi biển Ba Làng vịnh Nha Trang bị ‘lở loét’, ô nhiễm vì đâu?
- Vì sao khách Hàn ‘mê’ Nha Trang?
- Bãi biển Nha Trang: Ưu tiên cho cộng đồng, chỉ được đặt dù, ghế theo giờ quy định