Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI: Chất vấn nhiều vấn đề “nóng”
(1)
Trong phiên chất vấn – trả lời chất vấn, nhiều vấn đề “nóng” mà dư luận, cử tri quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra, lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh đã có ý kiến trả lời, giải trình. Phóng viên Báo Khánh Hòa lược ghi một số nội dung.
Giải quyết tình trạng thiếu lao động cho doanh nghiệp
. Đại biểu Hoàng Đình Phi – Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong: Hiện nay, vấn đề thiếu lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và của doanh nghiệp (DN) nói chung hết sức bức thiết. Vậy UBND tỉnh có giải pháp gì để giải quyết vấn đề thiếu lao động cho các DN?
. Ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng dịch vụ, du lịch – công nghiệp – nông nghiệp. Từ trước đến nay, tỉnh luôn quan tâm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho cả 3 lĩnh vực này; trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đối với nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp, đây là những ngành mũi nhọn kinh tế, có sự đóng góp lớn về giải quyết việc làm, ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 15.000 DN đang hoạt động, nhu cầu lao động làm việc tại các DN này rất lớn, chỉ tính riêng Khu công nghiệp Suối Dầu đã sử dụng hơn 11.000 lao động, 2 cụm công nghiệp Đắc Lộc và Diên Phú sử dụng khoảng 4.000 lao động, Hyundai Vinashin sử dụng 4.000 lao động, Khatoco, Công ty Yến sào Khánh Hòa, mỗi đơn vị sử dụng khoảng 5.000 lao động…
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phối hợp thật tốt trong việc giải quyết nhu cầu lao động cho 15.000 DN này nhưng với tốc độ tăng trưởng của cả 2 lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp thời gian gần đây thì nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN đều gặp khó khăn. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vấn đề giải quyết nhu cầu lao động cho DN vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như: lĩnh vực du lịch, lao động trực tiếp khoảng 30.000 người, với tốc độ tăng trưởng phòng khách sạn năm 2010 chỉ hơn 11.000 phòng khách sạn, đến năm 2017 đưa vào khai thác khoảng 27.000 phòng thì số lao động đột biến này là thách thức lớn của DN trong lĩnh vực du lịch.
Về giải pháp triển khai trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ trong tháng 7-2017 phải trình kế hoạch triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó có nhiều nội dung về thu hút học nghề, đào tạo, dạy nghề cho người lao động sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của DN. Để giải được bài toán thiếu lao động cho DN, cần phải quan tâm 3 đối tượng. Đối với người lao động, phải tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay; cần quan tâm vấn đề này từ đầu thông qua việc phân luồng học sinh, hướng các em sang đào tạo nghề; cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Đối với DN sử dụng lao động, bên cạnh việc khắc phục các khó khăn trong sản xuất kinh doanh hiện nay, cần phải chủ động kế hoạch sản xuất để có phương án tuyển dụng lao động tối ưu. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp với DN quan tâm đầu tư nhà ở, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa để tạo điều kiện cho người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần quan tâm hơn nữa từ khâu đào tạo, tuyển dụng đến các chính sách hỗ trợ giúp DN trong việc tuyển dụng lao động…
Dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang chậm tiến độ
. Đại biểu Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang được Công ty Cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (viết tắt là Công ty Hoàng Quân) khởi công xây dựng tháng 4-2015, theo kế hoạch công bố và các hợp đồng đã ký kết thì sẽ bàn giao nhà vào tháng 8-2016. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được bàn giao, trong khi đơn vị này đã bán được 82% tổng số căn hộ. Theo công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong danh sách các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh, có 220 căn hộ của địa ốc Hoàng Quân thế chấp tại Ngân hàng Indovina Chi nhánh quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có giải pháp gì để Công ty Hoàng Quân nghiêm túc thực hiện các dự án?
. Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dự án Nhà ở xã hội HQC đã được Sở Xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai vào ngày 15-9-2015. Đối chiếu với danh sách các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thế chấp (tính đến ngày 5-5-2017) của Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh, Công ty Hoàng Quân thế chấp 220 căn hộ và khu thương mại dịch vụ thuộc quỹ nhà kinh doanh thương mại và căn hộ xã hội cho thuê của chủ đầu tư, chứ chủ đầu tư không thế chấp các căn hộ nhà ở xã hội đã bán nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng. Do vậy, việc thế chấp nêu trên không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đã mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai của dự án.
Do Dự án Nhà ở xã hội HQC chậm tiến độ gần 1 năm theo kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng (Thường trực Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản – BĐS tỉnh) làm việc với chủ đầu tư dự án. Công ty Hoàng Quân đã có văn bản cam kết sẽ bàn giao nhà trong quý IV/2017. Trong tháng 8, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường BĐS tỉnh kiểm tra dự án, làm việc với chủ đầu tư yêu cầu cam kết hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
. Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp: Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nỗi bức xúc của người dân, xin ông cho biết các biện pháp mà tỉnh đã triển khai thực hiện trong thời gian qua để kiểm soát thực phẩm bẩn, độc hại, không rõ nguồn gốc? Mô hình rau sạch, trái cây sạch, thịt gia súc, gia cầm sạch… nên triển khai như thế nào để người dân an tâm trong việc tiêu dùng các thực phẩm hàng ngày?
. Ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Các biện pháp trọng tâm mà tỉnh đã triển khai thực hiện là:
Một là, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP từ cấp tỉnh đến xã.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã kiểm tra 3.171 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; xử lý 924 cơ sở, trong đó có 759 cơ sở bị phạt cảnh cáo, 165 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt hơn 425 triệu đồng; 5 cơ sở buộc phải tiêu hủy sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh kiểm tra 5.847 cơ sở, xử lý 744 cơ sở; trong đó có 644 cơ sở bị phạt cảnh cáo và 105 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt hơn 790 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân. Trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã tổ chức 54 lớp xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động làm việc tại nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, với 2.874 người tham gia. Tổ chức tuyên truyền và vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký 1.019 bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc. Tập trung tuyên truyền các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả.
Bốn là, thực hiện kế hoạch giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm đối với một số thực phẩm nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, đồ uống có cồn, thức ăn đường phố. Trong quý II/2017, đã tiến hành lấy và phân tích được 124 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản (tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái) để phân tích các chỉ tiêu về vi sinh, hóa học. Kết quả có 17 mẫu không đạt, chiếm 13,7%. Đối với các cơ sở có kết quả mẫu không đảm bảo ATTP đều được tiến hành xử lý và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa có kết quả phân tích bổ sung đạt yêu cầu.
Năm là, triển khai thực hiện xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn theo VietGAP. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo VietGAP để cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đến người dân.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển hệ thống kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn theo chuỗi. Theo đó, đã xây dựng và giới thiệu 16 địa điểm kinh doanh sản phẩm an toàn theo chuỗi (trong đó, TP. Nha Trang 11 điểm). Theo kế hoạch, trong năm 2017, sẽ tiếp tục triển khai thêm 10 địa điểm tại các địa phương khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 siêu thị kinh doanh thực phẩm (vừa kinh doanh vừa sản xuất thực phẩm). Thời gian qua, tỉnh đã kiểm tra, cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các siêu thị. Nhiều hệ thống siêu thị lớn đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm đầu vào, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên mua thực phẩm tại các siêu thị và tại những cơ sở kinh doanh sản phẩm an toàn đã được xác nhận để đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo ATTP.
Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang huy động vốn không đúng quy định
. Đại biểu Nguyễn Ngô – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh:Đề nghị UBND tỉnh cho biết về tính pháp lý của Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View? Vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở xã hội của dự án này như thế nào? Trong thời gian đến bàn giao cho cấp chính quyền địa phương nào quản lý? Giải pháp để chấn chỉnh, xử lý tình trạng này?
. Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Về tính pháp lý của Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View do Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư, ngày 18-10-2004, UBND tỉnh đã có văn bản thỏa thuận phương án quy hoạch tại dự án. Đến năm 2006, chủ đầu tư đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án. Dự án được điều chỉnh cục bộ nhiều lần Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, lần sau cùng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2646 ngày 16-10-2009, theo đó dự án bao gồm 2 khu vực: khu biệt thự và khu khách sạn, căn hộ cao cấp. Ngày 20-10-2010, UBND tỉnh có văn bản số 5510/UBND về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang thành 2 dự án riêng biệt, gồm: Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, có diện tích sử dụng đất 53.451,8m2; Dự án Khu chung cư cao cấp Ocean View Nha Trang, có diện tích sử dụng đất 10.164m2.
Về tính pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, huy động vốn của khách hàng, chuyển nhượng đất nền, bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án, trước khi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 được ban hành, việc huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án được thực hiện theo Điểm d và đ của Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 71 năm 2010 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2005; Khoản 8 và 11 của Điều 8, Thông tư số 16 năm 2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 71 năm 2010 của Chính phủ. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ với Sở Xây dựng để làm thủ tục xác nhận danh sách người được ký hợp đồng hợp tác đầu tư phân chia sản phẩm là nhà ở; có trách nhiệm thông báo cho Sở Xây dựng biết việc huy động vốn bằng hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện các thủ tục để được Sở Xây dựng xác nhận hoặc kiểm tra tính pháp lý của việc huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai nêu trên.
Ngày 14-1-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển khu đô thị, theo đó để được chuyển nhượng đất nền cho người dân tự xây dựng nhà ở thì dự án phải có văn bản thống nhất chủ trương của Bộ Xây dựng và quyết định của UBND tỉnh quy định các khu vực trong dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng không liên hệ Sở Xây dựng để làm các thủ tục trình Bộ Xây dựng và UBND tỉnh. Kể từ khi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 có hiệu lực, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng việc dự án có đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai và chỉ được mở bán sau khi Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục không thực hiện việc thông báo đến Sở Xây dựng theo quy định.
Về việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chuyển giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng của Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập phương án chuyển giao cho chính quyền địa phương các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại dự án sau khi đã hoàn thành. Hiện nay, chủ đầu tư chưa có thông báo về việc kết thúc dự án và tiến hành các thủ tục để chuẩn bị chuyển giao các công trình cho chính quyền địa phương quản lý.
Đối với việc chuyển nhượng đất tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, dự án này chưa có đủ giấy tờ để thực hiện sang nhượng đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho người dân tự xây dựng nhà ở; chưa có văn bản xác nhận, thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở hình thành trong tương lai của dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua theo pháp luật về nhà ở và kinh doanh BĐS qua các thời kỳ. Do vậy, việc chuyển nhượng đất nền, huy động vốn bằng hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này là không đúng quy định pháp luật. Để ngăn ngừa việc chủ đầu tư rao bán các BĐS chưa đủ điều kiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành các biện pháp như: họp trực tiếp với một số chủ đầu tư dự án BĐS, các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, thông báo rõ các điều kiện mà dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị phải đáp ứng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai hoặc chuyển nhượng đất nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật hiện hành. Yêu cầu chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS không được quảng bá mở bán nhà ở, đất nền khi chưa có thông báo đủ điều kiện của Sở Xây dựng, quyết định cho phép bán đất nền của UBND tỉnh.
Nhiều dự án chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã bán đất, bán căn hộ?
. Đại biểu Nguyễn Ngô – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh:Trên địa bàn tỉnh có 18 dự án đầu tư khu đô thị mới, phát triển nhà ở, vậy có bao nhiêu dự án chưa làm xong cơ sở hạ tầng hoặc nghiệm thu hoàn thành phần móng nhưng đã bán đất hoặc bán căn hộ? Bao nhiêu trường hợp đã bị xử lý vi phạm? Thời gian tới, UBND tỉnh có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? Để hạn chế rủi ro cho người dân mua đất, căn hộ từ các dự án, lãnh đạo tỉnh có lời khuyên nào cho người dân?
. Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị nhưng đến nay Sở Xây dựng chỉ xác nhận đủ điều kiện được mở bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 16 dự án, gồm: Làng biệt thự Giáng Hương; gói 4 và 5 Khu đô thị Mỹ Gia; Khu nhà ở gia đình quân đội K98; Chung cư nhà ở xã hội HQC; Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú; Khu đô thị ven sông Tắc; Tòa nhà Maple – 04 Tôn Đản; Khu dân cư Nam Vĩnh Hải; Tòa nhà Gold Coast; Khu đô thị VCN Phước Hải; Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung; Khu dân cư Phú Nông; Khu đô thị VCN Phước Long; Chung cư xã hội Đường sắt Nha Trang; Chung cư xã hội P.H. Trong số đó, có một số dự án chưa hoàn thành toàn bộ việc đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng vẫn được bán, bởi Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cho phép dự án hoàn thành một phần, từng phần hạ tầng của dự án theo tiến độ được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh không thuộc 16 dự án nêu trên thì không được phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với các dự án có dấu hiệu bán nhà ở, kinh doanh BĐS khi chưa đủ điều kiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng mời chủ đầu tư đến, chấn chỉnh, yêu cầu dừng ngay việc đưa BĐS vào kinh doanh, khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục để đáp ứng đủ điều kiện đưa BĐS của dự án vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án chưa bán nhưng các sàn giao dịch BĐS đã tự rao bán, đặt chỗ sản phẩm của dự án, chỉ đạo Sở xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp ngăn chặn và yêu cầu sàn giao dịch BĐS dừng ngay các hành vi này.
Đối với việc xử lý các hành vi mua bán BĐS là nhà ở hình thành trong tương lai, sang nhượng đất nền khi chưa đủ điều kiện rất khó khăn do thiếu chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm của chủ đầu tư. Mặt khác, một số khách hàng mua bán, chuyển nhượng thông qua người môi giới, đơn vị dịch vụ BĐS (đăng ký hoạt động ngoại tỉnh) không có ủy quyền của chủ đầu tư hoặc giao dịch qua mạng Internet, mạng xã hội… nên không thể sử dụng các tài liệu này để xử lý vi phạm của chủ đầu tư dự án. Trước tình hình mua bán, kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh có những hoạt động chưa phù hợp với quy định, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng chỉ đạo bộ phận chuyên môn, thanh tra sở thường xuyên kiểm tra việc mua bán, kinh doanh BĐS, chuyển nhượng đất nền tại các dự án để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Nhiều giải pháp cho bài toán nhân lực ngành Y tế
. Đại biểu Phạm Thúy Quỳnh: Ngành Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, nhằm giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên? Hiện nay chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Trong thời gian tới, ông có đề xuất những chính sách đặc thù, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế để thu hút, “giữ chân” bác sĩ công tác tại cơ sở và bác sĩ có tay nghề cao?
. Ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế: Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, từ năm 2009, Sở Y tế đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành Y tế, giai đoạn 2016 – 2020. Thông qua đề án này, ngành chủ động đào tạo bác sĩ, cử nhân Y khoa, dược sĩ đại học, bác sĩ có trình độ sau đại học (CK, CKII, nội trú), thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nhân lực; phát triển chuyên môn kỹ thuật, tạo thương hiệu cho các bệnh viện. Song song kế hoạch đào tạo, ngành triển khai các đề án: Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình của TP. Hồ Chí Minh để chuyển giao kỹ thuật từ tuyến Trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh và Đề án 1816 luân phiên cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trung ương cho tuyến tỉnh và luân phiên cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến tỉnh cho tuyến huyện. Hiện nay, các bệnh viện hợp đồng với bác sĩ nghỉ hưu, đặc biệt bệnh viện đa khoa tỉnh hợp đồng với các bệnh viện đầu ngành ở TP. Hồ Chí Minh về triển khai chuyển giao kỹ thuật.
Trong năm 2015, ngành Y tế đã tuyển dụng được 100 bác sĩ, năm 2016 tuyển dụng được 30 bác sĩ. Hiện tại, tỷ lệ bác sĩ của tỉnh là 7,9 bác sĩ/10.000 dân, mức này chưa đạt so với Nghị quyết của Tỉnh ủy nhưng cao hơn so với nhiều tỉnh trong khu vực. Dự kiến, đến năm 2020, bệnh viện tuyến tỉnh đảm bảo 100% bác sĩ, tuyến huyện 80%, đến năm 2025 cơ bản đáp ứng cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã.
Về việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trong thời gian qua, ngành Y tế đã tăng cường nguồn lực cho tuyến y tế cơ sở thông qua Đề án 1816 như đã nói trên. Việc này đạt được 3 mục tiêu đề ra. Đó là góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế, nâng cao vị thế uy tín cho cơ sở khám, chữa bệnh địa phương và giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, ngành Y tế đã xây dựng đề án giảm quá tải bệnh viện đã được UBND tỉnh phê duyệt; Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, triển khai luân phiên bác sĩ tuyến trên về cơ sở, xây dựng mô hình phòng khám hoạt động theo nguyên lý bác sĩ y học gia đình để nâng cao chất lượng các cơ sở y tế trong việc khám, chữa bệnh, quản lý bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Hiện nay, Khánh Hòa có Nghị quyết số 17/2010/NQ-HĐND về chế độ ưu đãi đối với ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể dục thể thao và Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND về chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút nhân tài. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các chế độ, chính sách này vẫn chưa thu hút được các chuyên gia đầu ngành về làm việc tại Khánh Hòa. Do vậy, Sở Y tế đang xây dựng chính sách có chế độ đãi ngộ bác sĩ cao hơn, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh để thu hút bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành về làm việc cho tỉnh.
NHÓM PHÓNG VIÊN (lược ghi)
Bài viết mới
- Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận căn hộ du lịch không phải đất ở
- Đề nghị dời khách sạn để xây cơ quan tỉnh Khánh Hòa
- Bãi biển Ba Làng vịnh Nha Trang bị ‘lở loét’, ô nhiễm vì đâu?
- Vì sao khách Hàn ‘mê’ Nha Trang?
- Bãi biển Nha Trang: Ưu tiên cho cộng đồng, chỉ được đặt dù, ghế theo giờ quy định