Khi mua nhà, điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến là mục đích mua nhà là gì? Làm chỗ ở cho gia đình, làm nơi ở kết hợp kinh doanh hay chỉ là mua nhà để kinh doanh kiếm lời? Về loại nhà thì bạn nhắm đến nhà phố, nhà mới, nhà cũ hay căn hộ? Quy mô bao nhiêu phòng và diện tích bao nhiêu? Kiến trúc như thế nào? Phong thủy có phù hợp vận mệnh, sự nghiệp và gia đình của bạn hay không? Mua nhà là một trong ba việc quan trọng của đời người: “tậu trâu, làm nhà, cưới vợ”, cần xét đầy đủ các yếu tố khác nhau. Cần sẵn sàng về tâm lý, tài chính, có sự đồng thuận của cả vợ và chồng thì mọi chuyện suôn sẻ sẽ đến với bạn.
Đầu tiên nên tự hỏi: Mình mua nhà để làm gì?
2. Căn cứ vào khả năng tài chính hiện tại của bạn để chọn mua nhà phù hợp
Tiền là chuyện tiên quyết khi mua nhà. Bạn phải luôn biết chắc thực lực của mình, biết rõ mình có bao nhiên tiền. Không nhất thiết bạn phải có đủ tiền ngay khi mua nhà, chỉ cần có một số tiền nhất định, số còn lại có thể trả góp dần. Khả năng bạn tài chính và sở thích của bạn sẽ quyết định bạn mua nhà loại nào. Thường thì các đôi vợ chồng trẻ có xu hướng chọn mua nhà chung cư, bởi lẽ giá cả không quá cao mà lại có nhiều chương trình trả góp hấp dẫn.
Tiền tất nhiên là điều kiện cần cho bạn có một ngôi nhà mới. Nếu không đủ khả năng, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hay vay mượn ở ngân hàng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là thận trọng xem xét đến khả năng tài chính. Đừng chọn những ngôi nhà có giá quá cao, để rồi phải vất vả trả góp nhiều năm dài. Bởi lẽ, bên cạnh khoản tiền cho ngôi nhà yêu thích, bạn còn phải đương đầu với nhiều chi phí khác nữa. Thận trọng xem xét túi tiền của mình trước khi quyết định đầu tư cho một ngôi nhà nào đó không bao giờ là việc dư thừa.
3. Cân đối khoản vay ngân hàng
Tuy nhiên, không nên chọn một căn nhà có giá quá cao vì phải trả khoản vay quá lâu năm không có nghĩa là bạn phải “sợ” ngân hàng. Về việc vay ngân hàng, nếu chờ cho đến khi tích lũy đủ tài chính mới quyết định mua thì không phải là giải pháp tối ưu. Bởi tốc độ tăng về giá bất động sản thường sẽ cao hơn lãi suất tiết kiệm, nếu tiền tích lũy của bạn không đưa vào sản xuất hoặc kinh doanh. Do vậy, nên mua khi tích lũy được một phần và phần còn lại dùng giải pháp vay ngân hàng.
Thường các ngân hàng sẽ cho vay 70% – 80% giá trị bất động sản. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người mua nhà để ở, thường tối ưu nhất là mua nhà phù hợp nhu cầu khi tích lũy đạt khoảng 50% giá trị nhà cần mua. Ví dụ: Tích lũy hiện tại được 400 triệu, bạn nên mua căn nhà 800 triệu. Căn nhà này sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng và năng lực tài chính hiện tại của bạn.
4. Địa điểm
Địa điểm là yếu tố không thể không chú ý khi mua nhà. Bạn biết rằng vị trí tọa lạc ngôi nhà ảnh hưởng đến giá cả và độ phù hợp cũng như sự thuận tiện cho việc học của cọn bạn và việc làm của bạn. Nếu khả năng không mua được nhà gần trung tâm thì cũng nên xem xét vị trí gần các tiện ích cần thiết như chợ, trường học, nơi làm việc…, không nên vì thiếu tiền mà mua nhà ở nơi quá xa. Ngôi nhà chưa đẹp có thể sửa lại trong tương lai nhưng vị trí thì bất di bất dịch trừ khi bán đi và mua nhà nơi khác.
5. Hàng xóm và lân cận
Câu nói bất hủ “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Câu nói vẫn luôn đúng với chúng ta ngay cả khi bạn ở chung cư, có được những người hàng xóm tốt bụng, vui tính giúp ích rất nhiều cho bạn trong cuộc sống.
Các hoạt động tập thể trong khu phố cũng rất quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể quan sát, hỏi thăm mọi người và đánh giá theo cảm quan xem liệu mình có phù hợp với khu vực, với những người này…; Nhiều người cũng hay lựa chọn nhà khi khu vực đó có người thân, bạn bè sinh sống. Bên cạnh các yếu tố khách quan thì việc có một không gian riêng thật thoải mái sẽ giúp bạn phát triển lâu dài cuộc sống gia đình mình. Vì thế, bạn nên xem xét khả năng tương tác trong tương lai từ ngôi nhà đó.
“Chọn bạn mà chơi” cũng rất quan trọng khi bạn là gia đình trẻ và muốn con cái mình có một môi trường sinh sống tốt
6. An toàn
Chú ý an toàn trong nhà ở không bao giờ là thừa. Nhiều người nghĩ rằng trong nhà thì an toàn, thì không đáng phải lo nhưng bạn có biết, có hàng trăm yếu tố trong nhà tưởng như vô hại nhưng lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm như: nguy cơ ngã từ lan can, nguy cơ trượt ngã do nền nhà trơn trượt, an toàn điện, chay nổ, ẩm mốc,… hoặc các đồ nội thất bằng gỗ đã bị mối mọt cũng là một sự đe dọa lớn đến sức khỏe các thành viên trong gia đình.
7. Tình hình an ninh
Khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cũng nên xem xét tình hình an ninh của khu phố mà bạn dự định sinh sống. Ở đó có thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp hay có nhiều tội phạm xuất hiện hay không. Tất nhiên bạn nên đi dạo quanh khu vực bạn dự định sẽ mua nhà vào các khung giờ nhạy cảm, để kiểm tra thử khu phố đó có những vấn đề gì thường xảy ra.
8. Giá trị sống
Về giá trị sống, thường những người trẻ hay bận rộn, hoặc đi công tác, về quê vào những dịp lễ tết. Do đó, nên chọn những căn nhà, căn hộ có tiện ích nội khu đầy đủ như hồ bơi, công viên, nhà trẻ… khu có bảo vệ, an ninh và môi trường sống tốt. Điều này vừa tốt cho giá trị sống của bạn, cho con cái bạn, vừa yên tâm và an toàn cho căn nhà và tài sản của bạn khi bạn vắng nhà.
Kinh nghiệm mua nhà: nên chọn khu vực có các tiện ích nội khu hoặc lân cận tương đối đầy đủ để rút ngắn thời gian di chuyển
9. Phí dịch vụ và mức giá xung quanh
Bạn chọn được một ngôi nhà rất ưng ý về vị trí, kiến trúc cũng như an ninh rất an toàn. Nhưng hãy xem xét về phí dịch vụ của khu nhà đó. Phí dịch vụ có thể quá cao so với thu nhập của bạn. Những vụ lùm xùm xung quanh phí dịch vụ ở tòa nhà Keangnam gần đây là bài học để bạn rút kinh nghiệm về các khoản phí có thể phát sinh.
Mức sống quanh nhà sẽ quyết định bạn có cần phải đi xa khi cần các dịch vụ cơ bản như ăn uống, tạp hóa, phòng tập gym, các cơ sở bán lẻ… Tất nhiên là khu vực trung tâm thành phố thường sẽ có tất cả nhưng giá sẽ tương đối cao, còn ở xa thì lại khá thiếu thốn. Vì vậy nên khoanh vùng từ đầu những khu vực mình nên định cư và tập trung tìm kiếm ở các nơi đó.
10. Khả năng xây dựng – Mức độ hoàn thiện
Bạn đang phân vân không biết mua một căn hộ chung cư cao cấp hay một ngôi nhà mà bạn có quyền sở hữu đất. Nếu bạn muốn thiết kế riêng một ngôi nhà theo ý của mình hoặc thay đổi trong tương lai thì căn hộ chung cư có vẻ sẽ không phù hợp với bạn cho lắm.
Về mức độ hoàn thiện, nên lựa chọn những căn nhà được giao ở mức độ hoàn thiện, ít nhất là mức cơ bản để bạn không hoặc ít phải bỏ thêm chi phí hoàn thiện nhà.
Bạn có biết chi phí sửa chữa những căn nhà như thế này chẳng khác gì xây luôn một căn mới?
11. Giá cả
Những người bán nhà thường xuyên nói giá cao hơn giá trị thật của nó. Vì vậy, đừng ngại ngần đàm phán hoặc thương lượng về giá cả. Ngoài ra bạn cũng nên tham khảo từ những người có kinh nghiệm hoặc thông tin từ internet để biết mức giá thị trường cho những ngôi nhà tương tự ngôi nhà mà bạn muốn mua.
12. Tính pháp lí
Khi quyết định mua một ngôi nhà, hãy chắc chắn ngôi nhà đó có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Bên cạnh đó, bạn cũng phải hết sức chú ý khi làm hợp đồng mua bán hay các thủ tục sang tên, chuyển nhượng.
Hiện nay có nhiều bất động sản được rao bán với mức giá khá rẻ, nhưng đi kèm đó là giấy tờ cũng khá rối rắm cho đa số người mua: giấy viết tay, sổ đỏ cũ, đất bị dính thừa kế, đất bị quy hoạch, đất bị quy hoạch treo, đất có tranh chấp,… và rất nhiều vấn đề khác. Tốt nhất, bạn nên nhờ luật sư của mình tư vấn và giúp bạn giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật.